Cô con gái bé bỏng của bạn rồi sẽ dậy thì thành thiếu nữ. Khi con bước vào kỳ kinh nguyệt tuổi dậy thì đầu tiên, hãy trả lời thật với con 15 vấn đề sau để giúp bé phát triển lành mạnh.
Mẹ là người bạn tâm hồn của con gái, người sẽ cùng con tâm sự những chuyện thầm kín nhất. Khi con gái của bạn bước vào tuổi dậy thì và bắt đầu xuất hiện kinh nguyệt thì mẹ cần dạy cho con những kiến thức chính xác, chân thực về chuyện này.
Kinh nguyệt tuổi dậy thì là vấn đề mà nhiều bé gái mới lớn thắc mắc nhưng không được giải đáp cặn kẽ. Quy tắc giáo dục giới tính chuẩn xác cho con gái là không để con cô đơn, không biết hỏi ai trong quãng thời gian này nhé. Hãy dành thời gian giải đáp tỉ mỉ tất cả câu hỏi của con về chu kỳ kinh nguyệt, đặc biệt là 15 vấn đề sau.
1. Khi nào thì xuất hiện kinh nguyệt?
11-14 tuổi là độ tuổi xuất hiện chu kỳ kinh nguyệt đầu tiên phổ biến nhất ở các bé gái. Tùy vào cơ địa và sự phát triển của trẻ. Có bé gái sẽ bắt đầu có kinh nguyệt sớm từ năm 9 tuổi hoặc muộn hơn vào khoảng 16 tuổi.
2. Làm thế nào để biết sắp có kinh nguyệt tuổi dậy thì?
Ở độ tuổi mới lớn, các bé sẽ rất tò mò và háo hức với những thay đổi của cơ thể. Hãy nói với con bạn rằng trước kỳ kinh nguyệt tuổi dậy thì đầu tiên, cơ thể con sẽ có những dấu hiệu sau:
- Ngực phát triển: Các bé sẽ phát triển ngực khoảng 1-2 năm trước khi đến những “ngày dâu” đầu tiên.
- Có chất trắng tiết ra từ vùng kín: Hiện tượng này xuất hiện khoảng 1 năm trước khi con gái bạn bước vào chu kỳ kinh nguyệt lần đầu.
- Lông nách, lông vùng nhạy cảm phát triển: Khoảng 6 tháng trước kỳ kinh nguyệt đầu tiên thì sẽ có hiện tượng này.
3. Chất trắng tiết ra từ vùng kín có nguy hiểm không?
Có lẽ một ngày nào đó con bạn sẽ phát hoảng vì thấy quần chip đột nhiên bị dây bẩn bởi chất trắng tiết ra từ âm đạo. Hãy trấn an con rằng đó chỉ là chuyện bình thường, không có gì đáng lo ngại. Dĩ nhiên, cũng có một số bé do vệ sinh chưa tốt trong tuổi dậy thì nên bị viêm nhiễm. Điều này thể hiện rất rõ qua màu sắc và mùi của chất tiết ra từ vùng kín. Do đó, đừng quên dạy con cách quan sát chúng để nhận biết tình trạng sức khỏe của bản thân nhé.
4. Cần chuẩn bị gì cho kỳ kinh nguyệt tuổi dậy thì đầu tiên?
Kinh nguyệt tuổi dậy thì thường đến một cách bất ngờ. Bạn không thể ở bên con mọi lúc mọi nơi được nên hãy dặn bé cất 1-2 chiếc băng vệ sinh và quần chip vào túi xách mỗi khi đi học hoặc đi chơi xa cùng bạn bè. Các mẹ cũng nên dạy con kỹ về cách sử dụng băng vệ sinh để bé không bị lúng túng trong lần đầu sử dụng.
5. Bao lâu thì hết một lần hành kinh?
Mỗi lần hành kinh sẽ kéo dài khoảng 3-7 ngày. Trong thời gian đầu, cơ thể đang dần ổn định thì có thể thời gian sẽ ngắn hơn hoặc dài hơn một chút.
6. Bao nhiêu ngày thì có hành kinh một lần?
Chu kỳ kinh nguyệt được tính từ ngày đầu ra máu trong tháng này tới ngày đầu ra máu trong tháng tiếp theo. 28-30 ngày là khoảng thời gian thường gặp, có một số trường hợp chu kỳ sẽ kéo dài đến 45 ngày. Thời gian dài ngắn của chu kỳ cũng phụ thuộc vào chế độ ăn, uống, nghỉ ngơi hoặc các loại thuốc trị bệnh đang dùng nên trong thời gian đầu bạn hãy giúp con theo dõi nhé.
7. Con bị chảy nhiều máu thì có sao không?
Nhiều bé gái sẽ thấy sợ hãi khi cơ thể mình bị “ra máu” và sẽ lo lắng, hồi hộp trong những kỳ kinh nguyệt tuổi dậy thì. Các mẹ nên giải thích với con đây chỉ hiện tượng bình thường. Lượng máu ra mỗi lần đến ngày chỉ khoảng 45-75ml nên sẽ không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe.
8. Nhỡ máu bị thấm ra ngoài quần thì sao?
Đây là chuyện khá phổ biến, phụ nữ thì sẽ tự biết cách xử lý nhưng với bé gái thì các mẹ cần chú ý hơn. Nếu lúc con đang đi học mà bị thấm ra ngoài quần có thể khiến bé bị bạn bè trêu chọc, tạo thành bóng đen tâm lý. Khi con đến kỳ kinh, hãy chuẩn bị cho bé một chiếc túi đựng quần/váy dự phòng kèm theo cả quần chip để bé mang theo khi ra ngoài. Bạn cũng đừng quên dặn con mặc đồ tối màu trong những ngày này.
Ngoài ra, bạn cũng nên giúp bạn chọn loại băng vệ sinh có độ dài phù hợp với cơ thể để chống tràn và chống thấm. Nếu đã đề phòng rồi mà vẫn “dính” thì dặn các bé dùng cặp để che lại, buộc một chiếc áo khoác ở hông để che phần phía sau và nhanh chóng về nhà để thay đồ.
9. Hành kinh có gây mệt mỏi, khó chịu không?
Kinh nguyệt tuổi dậy thì đến vào lúc cơ thể chưa kịp ổn định, do đó các bé gái sẽ gặp một số vấn đề sức khỏe. Đau đầu, đau bụng dưới, đau vùng thắt lưng và tức ngực là hiện tượng phổ biến. Một số bé có thể bị chóng mặt, buồn nôn, đường tiêu hóa không ổn định. Nếu các hiện tượng này nhẹ nhàng thì bạn chuẩn bị cho con một số món như trà đường nâu táo đỏ hoặc nước dừa. Nếu bé bị nặng thì đừng ngại đưa con đi gặp bác sĩ.
10. Con nên dùng loại dụng cụ vệ sinh nào?
Ngày nay có rất nhiều công dụng mà phụ nữ có thể dùng trong kỳ kinh nguyệt. Băng vệ sinh, tampon hoặc cốc nguyệt san là các loại phổ biến. Với bé mới đến kỳ kinh nguyệt tuổi dậy thì đầu tiên thì mẹ nên dạy con dùng băng vệ sinh vì chúng tương đối dễ sử dụng. Tuy nhiên, băng vệ sinh cần thay thường xuyên, khoảng 4 tiếng/lần để chống nhiễm khuẩn nên sẽ khá bất tiện.
Tampon và cốc nguyệt san thì có thời gian sử dụng dài hơn, tiện lợi và sạch sẽ hơn nhưng thích hợp với các bé gái đã phát triển đầy đủ. Cứ dạy cho con đủ kiến thức về các loại công cụ này và để bé tự lựa chọn loại khiến mình thấy thoải mái.
Trên đây là những kiến thức cơ bản mà mẹ cần trang bị cho con gái tuổi dậy thì. Ngoài ra, đừng quên nói với con bạn khi đã hành kinh tức là con đã trưởng thành và có thể mang thai nếu quan hệ với bạn khác giới. Hãy thẳng thắn nói về bao cao su cho nữ giới và tình dục an toàn với con nhé. Đừng quên dạy con nói không với đề nghị quan hệ của bạn trai khi chưa đến độ tuổi thích hợp.
Nguồn: Báo điện tử VnExpress