Đang chở con trên phố, chị Hoài (Thanh Xuân, Hà Nội) bỗng cảm giác trống phía sau lưng. Giật mình, chị đưa tay kiểm tra, hóa ra bé Thỏ đang tò mò lật lưng áo mẹ để xem bên trong mẹ mặc gì.
Từ ngày bé Thỏ lên 3 tuổi bắt đầu quan tâm về các loại quần áo, chị đã phải cất bớt những trang phục hơi thiếu vải hay dáng điệu hơi rườm rà để tránh tình huống dở khóc dở cười với cô con gái ham tìm hiểu.
Tại sao mẹ và con lại mặc váy mà bố không mặc? – Vì bố là con trai còn mẹ con mình là con gái. Tại sao mẹ có áo ti mà bố không có áo ti? – Vì bố là con trai còn mẹ là con gái. Tại sao con cũng là con gái mà con không được mặc áo ti giống mẹ? – Vì con còn là trẻ con, bao giờ thành người lớn con cũng phải mặc. Bao giờ con lớn mẹ cho con cái áo ti màu xanh của mẹ nhé?… Những câu hỏi đáp tương tự cứ liên tục. Biết câu trả lời của mẹ nhưng ngày nào bé Thỏ cũng thích lặp lại những câu hỏi này.
Có hôm chị đang ngồi tám chuyện với mấy người hàng xóm, cô bé nhìn vào cổ áo rộng của mẹ rồi thì thào: “Cái áo màu nâu của mẹ là áo gì đấy? Áo ti phải không?”. Không chỉ soi mẹ, bé cũng thích soi của những người đi đường: “Mẹ ơi, người đi trước mình là con trai hay gái, sao lại mặc quần chíp màu xanh. Bao giờ mẹ cho con mặc quần chíp nhé”.
Trang phục nào bé Thỏ chưa được mặc, bé càng quan tâm và có nhiều thắc mắc. Chị thường mua cho con những chiếc áo kín cổ, đơn giản vì đường hô hấp của bé yếu và cũng đề phòng bé đau hay ngứa răng cắn các phụ kiện nếu có. Vì thế, cô bé thường nhìn những bộ váy áo của mẹ một cách thèm muốn, thỉnh thoảng cũng tranh thủ xỏ thử và luôn miệng giao hẹn khi nào con lớn, mẹ cho con nhé.
Tuổi mầm non, các bé gái bắt đầu thích được mặc quần áo của mẹ. Ảnh: rakuten |
Đi mẫu giáo được một vài tháng cũng là lúc bé Minh (quận 2, TP HCM) bắt đầu biết phân biệt con trai và con gái. Cậu bé nằng nặc bắt mẹ phải thay ba lô đi học vì “màu đỏ là màu của con gái. Tất cả bạn trai trong lớp đều dùng màu xanh”. Rồi một loạt đồ dùng màu đỏ, vàng, hồng đều bị bé tẩy chay bởi con trai thì phải dùng màu xanh.
Cậu bé còn yêu cầu bố mẹ phải mặc quần áo đúng màu giới tính của mình. Có hôm, chị Loan diện chiếc váy xanh lệch vai đi ăn cưới, bé nhất định không chịu, bắt mẹ phải thay. Chị chưa kịp thay, cậu bé kéo váy bắt thay, khiến chiếc váy tuột xuống nửa người. “May mà cảnh giằng xé giữa hai mẹ con diễn ra tại nhà không thì mình chẳng còn lỗ nẻ nào chui xuống”. Bực nhất là thỉnh thoảng cả nhà đi mua sắm quần áo, thằng bé cứ bò ra đất, nhìn qua khe cửa phòng thử đồ, tò mò xem mấy người trong phòng thay đồ là ai.
Anh Lâm (Gò Vấp, TP HCM) cũng khó xử với cô con gái 5 tuổi bắt đầu biết bắt bài nếu anh lỡ mặc quần short ống rộng hay cởi trần. Hôm kia, dậy muộn, đi làm vội, anh thay quần áo ngay trong phòng ngủ vì tưởng bé Mít đang ngủ say. Đến tối anh xấu hổ khi cô con gái rêu rao: “Hôm nay con thấy bố mặc mỗi quần xịp nhé”. Cô bé liên tục lặp lại như con vẹt, anh Lâm bực quát lên: “Con nói ít thôi, vô duyên, vớ vẩn” nhưng bé Mít vẫn hét toáng lên: “Thế mà bố không cho con cởi trần” cho đến khi bố phải bỏ đi.
Trong những buổi nói chuyện về giáo dục giới tính cho trẻ mầm non do Hội quán các bà mẹ tổ chức, thạc sĩ tâm lý giáo dục, bác sĩ Nguyễn Lan Hải cũng nhiều lần cảnh báo phụ huynh về những giây phút xấu hổ nếu ăn mặc hớ hênh trước mặt con. Đây là giai đoạn bé bắt đầu phát hiện ra sự khác nhau giữa bé trai và bé gái. Bé thích khám phá chính cơ thể mình và tò mò về cơ thể người khác. Chuyên gia tâm lý khuyên, khi con bước vào độ tuổi mầm non, cha mẹ nên nghĩ đến chuyện ăn mặc lịch sự ngay ở nhà. Thậm chí, nếu nhà có con gái, bố không nên cởi trần. Bố mẹ muốn “hoạt động” thì phải tránh xa tầm mắt của trẻ em. Và tuyệt đối không tắm chung các con khác giới tính với nhau…
Những hành động vô ý của bố mẹ này có thể khiến bé tò mò nảy sinh ý muốn khám phá, nhìn trộm. Về lâu dài, bé sau này có thể có những hành vi lệch lạc tình dục hoặc sai lầm khi đánh giá người khác giới. Còn ngay trước mắt, cha mẹ có thể sẽ gặp rất nhiều tình huống xấu hổ khi con trẻ đòi khám phá bố mẹ giữa chỗ đông người hay bô bô đi kể những gì bé được chứng kiến.
Chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ (Công ty Tâm lý trẻ) trong một buổi nói chuyện chuyên đề “Xây dựng tính độc lập cho con” nhận xét, ở lứa tuổi 4-5 trẻ em xuất hiện phức cảm Oedipus, hiểu đơn giản là ở độ tuổi này các bé gái đặc biệt quấn bố còn các bé trai thì rất bám mẹ. Để tranh giành vị trí trong gia đình, các bé gái rất thích giống mẹ, dùng đồ của mẹ còn các bé trai thì bắt chước bố. Các bé cũng thích “chia rẽ” bố mẹ, phải nằm giữa bố mẹ khi ngủ, chen vào khi bố mẹ ngồi cạnh nhau. Đây là một hiện tượng tâm lý bình thường của lứa tuổi, nó giúp trẻ phát triển lành mạnh về mặt tinh thần và tình cảm, là cơ sở cho những quan hệ đúng đắn đối với người khác giới sau này. Mặt khác tình cảm quyến luyến này cũng làm cho trẻ lứa tuổi mầm non đỡ cảm thấy căng thẳng một cách vô thức.
Tuy nhiên, chuyên gia tâm lý cũng khuyên, bố mẹ phải cho bé biết được ranh giới bố mẹ và con. Nếu quá gần gũi và thần tượng bố hay mẹ, sau này lớn lên bé thường có xu hướng đi tìm người giống bậc sinh thành mình để kết hôn, và bé dễ thất vọng vì trên đời này đâu có ai giống ai.
Chuyên gia tâm thần học người Mỹ Carole Lieberman cũng cho rằng bắt đầu từ độ tuổi mẫu giáo, trẻ đã có thể nhớ hình ảnh cha mẹ cởi trần. Bà khuyến cáo cha mẹ nên tránh thay quần áo trước mặt con khi con bắt đầu lên 3, trong trường hợp con không cùng giới tính với cha/mẹ. Trái lại, bạn có thể tự nhiên khi con có cùng giới tính với mình.
Cha mẹ vẫn có thể thay quần áo trước mặt đứa con cùng giới tính với mình tới khi con đến tuổi trưởng thành. Điều này cũng chỉ nên xảy ra trong những tình huống phù hợp, như trong phòng xông hơi, phòng thay đồ hoặc tương tự. Bà Carole cũng khuyên cha mẹ nên thiết lập ranh giới đối với những đứa trẻ. Hãy để chúng hiểu rằng nếu có ai không phải thành viên gia đình cởi trần trước mặt chúng, đó là điều không đúng chút nào. Đồng thời, cũng không ai có quyền yêu cầu trẻ cởi trần trước mặt họ